(suckhoedoisong.vn) - Bí tiểu ở sản phụ sau sinh là một trong những biến chứng thường gặp, có khoảng 15% các bà mẹ sau sinh rơi vào tình trạng bí tiểu. Tuy không gây nguy hiểm nhưng khiến cho sản phụ khó chịu về vận động và cảm giác lo lắng.
Thế nào là bí tiểu sau sinh?
Thông thường sau khi sinh 2 - 4 giờ sản phụ có thể đi tiểu, nếu khoảng 1 - 2 ngày sản phụ có cảm giác buồn đi tiểu nhưng lại không đi tiểu được. Khiến cho sản phụ có cảm giác căng tức và khó chịu. Khám lâm sàng thấy có khối cầu bàng quang, ấn vào cảm giác căng tức. Sau khi được hướng dẫn tập đi tiểu như ngồi theo tư thế tự nhiên, đắp ấm trên bụng vùng dưới rốn và mở vòi nước cho chảy từ từ nhưng sản phụ cũng không tự đi tiểu được.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân nhưng thông thường thì khi sản phụ sinh con trong chuyển dạ sinh, khi ngôi thai xuống thấp, thường là đầu thai nhi đè vào cổ bàng quang hay niệu đạo gây ứ đọng nước tiểu làm bàng quang căng giãn, khi giãn nhiều làm mất trương lực, làm co thắt cơ cổ bàng quang gây nên hiện tượng bí tiểu.
Kiểm tra sức khỏe cho sản phụ sau sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: T.Hà |
Ngoài ra, trường hợp trong lúc sinh phải cắt tầng sinh môn để giúp cho đầu thai nhi sinh ra được dễ dàng, sau sinh phải khâu lại chỗ cắt các vết khâu bị sưng nề làm cho người mẹ khi đi tiểu không dám rặn tiểu vì đau. Sau khi sinh, bàng quang không nhạy cảm với kích thích khi nước tiểu đầy gây bí tiểu. Ngoài ra khi bí tiểu, động tác thông tiểu nhiều lần gây viêm bàng quang, làm cho triệu chứng bí tiểu thể hiện rõ.
Cách xử trí
Đầu tiên sản phụ cần tập đi tiểu để tạo lại phản xạ tự nhiên, kết hợp với chườm ấm vùng bụng dưới rốn, uống nhiều nước. Nếu tình trạng không cải thiện sản phụ cần đến cơ sở y tế bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể như cho dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn, thuốc kháng viêm chống phù nề chèn ép vào cổ bàng quang và nguyên tắc sau cùng hỗ trợ tăng cường trương lực bàng quang giúp khả năng co bóp bàng quang trở lại bình thường…
Có phòng tránh được không?
Sau khi sinh, người mẹ cần sớm vận động nhẹ nhàng, tập rặn tiểu bình thường theo tư thế tiểu tự nhiên. Không nên lo sợ đau đớn đối với vết khâu tầng sinh môn mà nín tiểu, Uống nhiều nước, vệ sinh vùng âm hộ sạch sẽ bằng nước sạch và dung dịch rửa vệ sinh phụ khoa. Luôn luôn giữ khô vùng âm hộ, tránh nhiễm khuẩn vết khâu tầng sinh môn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn